Kế hoạch  xây dựng trường học hạnh phúc  trên địa bàn thành phố

Ngày đăng: Apr 15, 2021 10:33:18 AM

KẾ HOẠCH

Triển khai, thực hiện xây dựng trường học hạnh phúc trong các trường Mầm non, Tiểu học, Trung học cơ sở trên địa bàn thành phố

Thực hiện Công văn số 124/CĐGD ngày 18/12/2019 của Công đoàn Giáo dục tỉnh Hà Nam về việc phối hợp hướng dẫn các trường học tổ chức và tham gia xây dựng trường học hạnh phúc theo “Kế hoạch nâng cao năng lực ứng xử sư phạm, đạo đức nhà giáo, người lao động đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới”; Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố xây dựng kế hoạch triển, khai thực hiện như sau:

I. MỤC TIÊU

- Nâng cao nhận thức, hành động, năng lực ứng xử sư phạm của đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên (CBGVNV) và học sinh về trường học hạnh phúc nhằm hướng tới xây dựng trường học không chỉ là nơi cung cấp tri thức, rèn luyện phẩm chất đạo đức, bồi dưỡng nhân cách mà còn là nơi thầy cô giáo và học sinh được học tập, rèn luyện trong yêu thương, tôn trọng, chia sẻ, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ. Trường học hạnh phúc là mái nhà chung mà mỗi ngày CBGVNV và học sinh đến trường là một ngày vui, một ngày hạnh phúc và hiệu quả.

- Xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, văn minh và tiến bộ; ngăn ngừa, đấu tranh với các hành vi thiếu chuẩn mực đạo đức hoặc các hành vi làm tổn thương đến danh dự, nhân phẩm đội ngũ CBGVNV, học sinh.

II. NỘI DUNG

1. Chỉ tiêu

- 100% các trường Mầm non, Tiểu học, Trung học cơ sở đăng ký xây dựng, thực hiện trường học hạnh phúc đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

- Xây dựng mô hình điểm trường học hạnh phúc tại 06 trường, gồm: Mầm non Trần Hưng Đạo, Mầm non Lương Khánh Thiện, Tiểu học Trần Quốc Toản, Tiểu học Trịnh Xá, THCS Trần Phú, THCS Châu Sơn.  

2. Nhiệm vụ, giải pháp

2.1. Làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến đến cán bộ, giáo viên, nhân viên về mục đích, ý nghĩa của việc xây dựng trường học hạnh phúc

Tuyên truyền sâu rộng tới từng CBGVNV và học sinh nhận thức đầy đủ, đúng đắn về tầm quan trọng của việc tạo dựng và duy trì nhà trường hạnh phúc mà ở đó học sinh, CBGVNV được yêu thương, tôn trọng, an toàn, được thấu hiểu. Nói rộng hơn xây dựng và phát triển môi trường thân thiện, văn minh, tiến bộ cùng hợp tác vì sự phát triển phù hợp với bối cảnh đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo hiện nay.

2.2. Bồi dưỡng nâng cao nhận thức, trách nhiệm của mỗi CBGVNV, HS trong việc xây dựng trường học hạnh phúc với môi trường giáo dục an toàn, thân thiện, tích cực và văn minh  

- Tăng cường tuyên truyền, vận động CBGVNV thực hiện nghiêm túc pháp luật của Nhà nước, các quy định của ngành và đặc biệt thực hiện tốt Thông tư số 06/2019/TT- BGDĐT ngày 12/4/2019 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về Quy định quy tắc ứng xử trong cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên.

- Tổ chức công đoàn phối hợp với chính quyền đồng cấp ở tất cả các đơn vị trường học tiếp tục quán triệt đối với toàn thể CBGVNV Chỉ thị 1737/CT-BGDĐT ngày 07/5/2018 của Bộ GDĐT về tăng cường công tác quản lý và nâng cao đạo đức nhà giáo; Công văn số 2033/BGDĐT-NGCBQLGD ngày 13/5/2019 của Bộ GDĐT về việc chỉ đạo, triển khai Kế hoạch nâng cao năng lực ứng xử sư phạm, đạo đức nhà giáo.

- Các Công đoàn cơ sở tổ chức sinh hoạt chuyên đề cho CBGVNV, học sinh về đạo đức nhà giáo, kỹ năng ứng xử sư phạm, về trường học hạnh phúc, về sự đồng cảm, khoan dung, xây dựng mối quan hệ tích cực và sáng tạo, có kỹ năng và sẵn sàng hợp tác và biết “Chung sống chung” một cách tốt đẹp.

- Tiếp tục triển khai có hiệu quả các cuộc vận động “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”; “Dân chủ - Kỷ cương - Tình thương - Trách nhiệm”, phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học” trong đó có đổi mới nội hàm và đưa ra các nội dung, tiêu chí cụ thể cho đội ngũ cán bộ, giáo viên phù hợp với điều kiện thực tế của từng đơn vị nhà trường.

- Tăng cường công tác tuyên truyền về tấm gương thầy mẫu mực, trò chăm ngoan, về trường học hạnh phúc, lớp học hạnh phúc, thầy cô hạnh phúc, học sinh hạnh phúc trên cổng thông tin điện tử của trường và của ngành bằng nhiều hình thức thích hợp, sinh động.

2.3. Hỗ trợ CBGVNV nâng cao kỹ năng ứng xử sư phạm, đạo đức nhà giáo hướng tới xây dựng trường học hạnh phúc với các giá trị: An toàn, yêu thương và tôn trọng

- Tổ chức các buổi hội thảo, tập huấn, tọa đàm để hỗ trợ và chia sẻ kinh nghiệm ứng xử các tình huống sư phạm ở mỗi cấp học. Mời chuyên gia tư vấn, nhận diện, xử lý các tình huống vi phạm các quy định đạo đức nhà giáo, vi phạm pháp luật của CBGVNV trong lao động nghề nghiệp, về trường học hạnh phúc.

- Tổ chức xây dựng cẩm nang “Xử lý tình huống sư phạm trong nhà trường” trên cơ sở tổng hợp những tình huống thực tiễn và ý kiến tư vấn của chuyên gia làm tài liệu hỗ trợ CBGVNV trong ứng xử sư phạm.

- Xây dựng các video clip, phim ngắn về tình huống ứng xử sư phạm, các câu chuyện về đạo đức học đường, về truyền thống “tôn sư, trọng đạo”, về kỹ năng sống,… .

- Xây dựng gương điển hình “Thầy cô hạnh phúc - Học sinh hạnh phúc”, trong đó lấy tiêu chí: Trường học không có hiện tượng vi phạm tệ nạn xã hội và không có hiện tượng vi phạm đạo đức nhà giáo là tiêu chí chính, trên cơ sở đó nhân rộng trên địa bàn thành phố.

2.4. Phát hiện, tôn vinh và biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân điển hình về xây dựng môi trường sư phạm; những tấm gương nhà giáo tận tụy, mẫu mực, có thành tích trong giảng dạy, nghiên cứu, học tập và sáng tạo để lan tỏa toàn ngành, tác động tích cực tới cộng đồng xã hội

- Động viên, khuyến khích cán bộ, đoàn viên công đoàn giới thiệu hoặc viết bài về các điển hình tiên tiến, tấm gương nhà giáo có đạo đức tốt, hành vi đẹp, cách ứng xử; đăng tải bài viết trên Website hoặc trang mạng xã hội của trường và của Ngành Giáo dục thành phố.

- Tổ chức các hoạt động tôn vinh, biểu dương các tập thể, cá nhân tiêu biểu từ cấp cơ sở đến cấp ngành về thực hiện đạo đức nhà giáo; xây dựng trường học hạnh phúc. Tiếp tục đẩy mạnh việc tôn vinh nhà giáo tiêu biểu trong phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học” nhân dịp Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 hàng năm.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố

- Ban hành Kế hoạch xây dựng trường học hạnh phúc và triển khai đến từng đơn vị trường học, từng cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh.

- Đẩy mạnh các phong trào thi đua, cuộc vận động, tổ chức các hội thi, cuộc thi hướng tới xây dựng trường học hạnh phúc.

- Tiếp tục quán triệt các văn bản, kế hoạch, hướng dẫn của Sở Giáo dục và Đào tạo, Công đoàn Giáo dục tỉnh về nâng cao năng lực ứng xử sư phạm, đạo đức nhà giáo, các tiêu chí xây dựng trường học hạnh phúc cho toàn thể đội ngũ CBGVNV.

- Phối hợp với Liên đoàn lao động thành phố Phủ Lý tổ chức kiểm tra, đánh giá việc thực hiện xây dựng trường học hạnh phúc tại các đơn vị; tổ chức khảo sát sự hài lòng của phụ huynh học sinh, nhân dân đối với các trường (thực hiện khảo sát trực tuyến tại trang http://gopy.phuly.edu.vn). Tổ chức sơ kết, tổng kết, biểu dương khen thưởng các tập thể, cá nhân tiêu biểu thực hiện tốt Kế hoạch xây dựng trường học hạnh phúc; tuyên truyền nhân rộng những tấm gương cá nhân, tập thể điển hình về việc thực hiện nội dung này trong phạm vi nhà trường và toàn ngành nhân dịp 20/11 hằng năm.

- Báo cáo kết quả thực hiện về Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Nam.

2. Các trường Mầm non, Tiểu học, Trung học cơ sở

- Trên cơ sở Kế hoạch này, các nhà trường xây dựng kế hoạch triển khai, thực hiện xây dựng trường học hạnh phúc. Cụ thể hóa các tiêu chí của trường học hạnh phúc phù hợp với tình hình của nhà trường và của đia phương.

- Tổ chức tuyên truyền, phổ biến đến cán bộ, giáo viên, nhân viên trong nhà trường cũng như toàn thể nhân dân về mục đích, ý nghĩa của việc xây dựng trường học hạnh phúc.

- Phối hợp với các ban ngành, đoàn thể, cơ quan, doanh nghiệp đóng trên địa bàn làm tốt công tác xã hội hóa; tạo mọi điều kiện thuận lợi về cơ sở vật chất cũng như tinh thần để CBGVNV và học sinh tích cực tham gia xây dựng trường học hạnh phúc.

-  Kết thúc năm học, lãnh đạo các nhà trường phối hợp với Ban Chấp hành công đoàn trường tổ chức tổng kết nội dung xây dựng trường học hạnh phúc, có biểu tự đánh giá cụ thể từng tiêu chí (theo biểu mẫu đính kèm phụ lục 1). Tổ chức khảo sát sự hài lòng của phụ huynh học sinh đối với nhà trường (theo mẫu đính kèm phụ lục 2).

- Biểu dương, khen thưởng kịp thời những tập thể, cá nhân có nhiều đóng góp trong quá trình triển khai, thực hiện; tuyên truyền nhân rộng những tấm gương cá nhân, tập thể điển hình về việc thực hiện nội dung này trong phạm vi nhà trường và toàn ngành.

- Gửi báo cáo tổng kết kèm theo biểu tự đánh giá các tiêu chí thực hiện trường học hạnh phúc, bảng tổng hợp kết quả khảo sát sự hài lòng của phụ huynh học sinh về Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố trước ngày 31/5 hàng năm qua hệ thống quản lý văn bản và điều hành.

Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố yêu cầu Hiệu trưởng các trường Mầm non, Tiểu học, THCS căn cứ nội dung Kế hoạch nghiêm túc thực hiện. Trong quá trình triển khai, nếu có vướng mắc, khó khăn, các đơn vị liên hệ với bà Đỗ Thị Ánh Tuyết - Phó trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố để được phối hợp giải quyết./.